THANH LÝ TÀI SẢN KHI GIẢI THỂ DOANH NGHIỆP

Hỏi: Tôi là chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên. Sắp tới tôi định giải thể công ty, tôi muốn hỏi rằng tài sản của công ty  thì có đương nhiên thuộc quyền sở hữu của tôi không ? Nếu không, tôi có thể thanh lý bằng cách mua lại tài sản công ty không? Tôi xin chân thành cảm ơn!

DỊCH VỤ TƯ VẤN CÁC BƯỚC THANH LÝ TÀI SẢN KHI GIẢI THỂ - Luật Hồng Bàng

Trả lời:

Công ty Luật 1- 5 gửi tới Quý khách một số nội dung để tham khảo như sau:

Do không có đầy đủ hồ sơ về trường hợp của Quý khách, nên dựa trên những thông tin Quý khách cung cấp, chúng tôi có một vài tham vấn gửi đến Quý khách như sau:

Một trong những công việc doanh nghiệp phải thực hiện khi giải thể doanh nghiệp là thanh lý tài sản của doanh nghiêp, lập báo cáo thanh lý tài sản nộp cùng hồ sơ giải thể doanh nghiệp tới cơ quan đăng ký kinh doanh. Mặc dù là Công ty TNHH 1TV tuy nhiên doanh nghiệp vẫn cần thực hiện thủ tục thanh lý tài sản theo trình tự luật định.

Đầu tiên, nếu tài sản thanh lý có giá trị lớn, phức tạp, căn cứ Điều lệ công ty, Giám đốc doanh nghiệp cần xác định phân cấp xử lý tài sản sau đó xin ý kiến của chủ sở hữu doanh nghiệp về việc thanh lý tài sản.

Đặc biệt, với những doanh nghiệp có vốn Nhà nước, cần tham khảo ý kiến chủ sở hữu thông qua đại diện tại doanh nghiệp; nếu là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, ý kiến thanh lý tài sản phải là của cơ quan được giao quản lý vốn Nhà nước: Bộ Tài chính; UBND tỉnh dưới hình thức bằng văn bản.
Quy trình thanh lý tài sản được thực hiện theo trình tự: Thành lập Hội đồng thanh lý tài sản; sau đó, Hội đồng thanh lý tài sản sẽ đánh giá chất lượng, giá trị còn lại của tài sản sau thời gian doanh nghiệp sử dụng; quyết định thanh lý tài sản theo hình thức bán hoặc bán đấu giá tài sản; và lập Biên bản thanh lý tài sản sau khi tiến hành thanh lý. Cụ thể:

Bước 1: Thành lập Hội đồng thanh lý tài sản.

Chủ doanh nghiệp/Hội đồng thành viên công ty TNHH/Hội đồng quản trị công ty cổ phần ra quyết định thanh lý tài sản công ty, trong đó thành lập hội đồng thanh lý tài sản, bao gồm các thành viên trong công ty và trường hợp cần thiết cần có cán bộ kỹ thuật có chuyên môn liên quan đến tài sản cần thanh lý.
Hội đồng thanh lý tài sản có nhiệm vụ thống kê lại số lượng, phân loại tài sản, thu thập các giấy tờ, hồ sơ kỹ thuật có liên quan đến tài sản; đồng thời, kiểm tra đánh giá chất lượng còn lại của tài sản, từ đó xác định giá trị tài sản. Và tổ chức, thực hiện việc thanh lý tài sản.

Bước 2: Kiểm tra, đánh giá chất lượng và giá trị còn lại của tài sản

Để đánh giá chất lượng còn lại của tài sản, hội đồng thanh lý có thể dựa trên các yếu tố như: sổ theo dõi chế độ bảo hành, những hỏng hóc gặp phải trong quá trình sử dụng và số lần bảo trì, sửa chữa tài sản; mức độ tiêu hao nhiên liệu; và mức độ cần thiết của tài sản đó.
Dựa trên đánh giá chất lượng còn lại, Hội đồng thanh lý cần xác định giá trị còn lại của tài sản. Sau đó, lựa chọn hình thức thanh lý đối với từng loại tài sản.
Trường hợp việc xác định giá trị tài sản quá phức tạp, Hội đồng thanh lý không đủ khả năng hoặc thời gian để thực hiện thì có thể thuê tổ chức thẩm định giá tài sản thực hiện việc thẩm định giá tài sản.
Hình thức thanh lý có thể lựa chọn một trong ba hình thức sau tùy thuộc loại hình doanh nghiệp, nguồn vốn chủ sở hữu, và nguồn vốn tạo lập tài sản:
–         Bán chỉ định, hoặc thông báo bán công khai;
–         Bán đấu giá tài sản.

Bước 3: Bán tài sản

Tùy từng loại tài sản cũng như hình thức bán tài sản cần phải tuân thủ theo quy định của pháp luật tương ứng: luật doanh nghiệp, luật dân sự, luật thương mại và luật đấu giá tài sản. Hội đồng thanh lý tài sản có thể thành tập tổ bán tài sản, hoặc thuê tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp trường hợp thực hiện bán đấu giá tài sản.
Lưu ý: Việc mua bán tài sản doanh nghiệp cần phải được lập thành hợp đồng mua bán, và có xuất hóa đơn.
Sau khi hoàn tất việc bán tài sản, khoản thu từ hoạt động thanh lý tài sản sẽ được dùng để thực hiện thanh toán khoản nợ và nghĩa vụ tài chính còn lại của doanh nghiệp giải thể (nếu có). Phần còn lại sau khi thực hiện xong nghĩa vụ và hoàn tất thanh toán khoản nợ, sẽ được chia cho các thành viên công ty theo tỷ lệ phần vốn góp.

Như vậy, trong trường hợp doanh nghiệp của bạn, trước khi tiến hành giải thể doanh nghiệp, bạn cần thực hiện thủ tục thanh lý tài sản như trên đã hưỡng dẫn, với số tiền thu được từ việc thanh lý tài sản này, bạn hải hoàn tất các nghĩa vụ của doanh nghiệp như  nghĩa vụ thuế, bảo hiểm, lương người lao động…..giá trị còn lại của doanh nghiệp sau khi hoàn tất nghĩa vụ sẽ thuộc về chủ sở hữu.

Mọi thắc mắc, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ chi tiết:

CÔNG TY LUẬT 1 – 5

Trụ sở chính: P411 Tầng 4 Toà nhà số 5 Lý Tự Trọng P. Hoàng Văn Thụ, Q. Hồng Bàng, TP. Hải Phòng

Điện thoại: 0225.3810224

Email: congtyluat1.5@gmail.com

Chi nhánh tại TP. Hồ Chí Minh: Số 4 đường 2C, khu dân cư Phú Mỹ, khu phố 2, phường Phú Mỹ, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: 0903.234.382

Email: phungkhacloiuat1.5@gmail.com