Từ ngày 1/7, mức lương cơ sở sẽ tăng từ 1,49 lên 1,8 triệu đồng/tháng (thêm 20,8%), theo dự thảo nghị định được Bộ Nội vụ lấy ý kiến hôm 20/2.
Nếu người mới tốt nghiệp đại học, làm việc trong khu vực hưởng lương ngân sách nhà nước, có hệ số lương 2,34 thì mức lương sau điều chỉnh sẽ là 4,212 triệu đồng (2,34×1,8 triệu đồng), tăng 726.000 đồng so với hiện nay.
Theo Bộ Nội vụ, nếu so với lương tối thiểu vùng của lao động làm việc trong doanh nghiệp thì mức 1,49 triệu đồng/tháng mới đạt 37,89% (lương tối thiểu vùng bình quân năm 2022 là hơn 3,9 triệu đồng/tháng). Hai năm qua, do tác động bất lợi của nhiều yếu tố trong nước và quốc tế, đặc biệt là đại dịch Covid-19, cán bộ, công chức, viên chức không được tăng lương nên gặp nhiều khó khăn.
Về kinh phí tăng lương, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương được sử dụng nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên, một phần nguồn thu được để lại theo chế độ của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và sử dụng nguồn cải cách tiền lương năm 2022 chưa sử dụng hết chuyển sang (nếu có).
Các tỉnh, thành phố sử dụng các nguồn 10% tiết kiệm chi thường xuyên; 70% tăng thu ngân sách địa phương năm 2022 thực hiện so với dự toán; nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2022 chưa sử dụng hết chuyển sang; tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2023.
Ngân sách trung ương bổ sung nguồn kinh phí còn thiếu do điều chỉnh mức lương cơ sở năm 2023 cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Mức lương cơ sở dùng làm căn cứ tính lương trong các bảng lương, phụ cấp, sinh hoạt phí, phí đóng bảo hiểm y tế, lương hưu. Mức tăng 1,8 triệu đồng/tháng đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp cuối năm 2022.