Không gọi nhập ngũ công dân cận thị trên 1.5 diop, viễn thị các mức độ

Bộ Quốc phòng vừa ban hành Thông tư số 68/2025/TT-BQP sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 148/2018/TT-BQP ngày 4/10/2018 về tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ.

Những điểm sửa đổi quan trọng tập trung vào tiêu chuẩn sức khỏe, đối tượng được tạm hoãn, miễn gọi nhập ngũ và quy trình tổ chức tuyển chọn, giao nhận quân.

Cụ thể, Thông tư quy định:

“Không gọi nhập ngũ vào Quân đội đối với công dân  tật khúc xạ cận thị lớn hơn 1.5 diop, viễn thị các mức độ; hoặc có chỉ số BMI dưới 18.0 hoặc trên 29.9.” (điểm c khoản 3 Điều 4)

Về tiêu chuẩn sức khỏe, Thông tư giữ nguyên nguyên tắc tuyển chọn công dân có sức khỏe loại 1, loại 2 và loại 3 theo Thông tư số 105/2023/TT-BQP. Cụ thể:

“Tuyển chọn công dân đạt sức khỏe loại 1, loại 2 và loại 3 theo quy định tại Điều 5 và Điều 6 Thông tư số 105/2023/TT-BQP ngày 06/12/2023 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.” (điểm a khoản 3 Điều 4)

Thông tư cũng quy định rõ về công khai thông tin tại địa phương:

“Danh sách công dân thuộc diện được tạm hoãn và miễn gọi nhập ngũ phải được công khai trên Cổng thông tin điện tử cấp xã và niêm yết tại trụ sở UBND cấp xã, các cơ quan, tổ chức, nơi sinh hoạt cộng đồng… trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày Chủ tịch UBND cấp tỉnh ký Quyết định.” (khoản 4 Điều 5)

Đối với các trường hợp khó khăn đặc biệt, Thông tư bổ sung thêm nội dung:

“Công dân là lao động duy nhất trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động; gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra được UBND cấp xã xác nhận.” (điểm b khoản 1 Điều 5)

Về trách nhiệm tổ chức thực hiện, UBND các cấp được giao nhiệm vụ triển khai toàn diện công tác tuyển quân. Trong đó, UBND cấp xã có trách nhiệm:

“Tổ chức sơ tuyển; lập danh sách công dân được gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự, bàn giao cho Hội đồng khám sức khỏe và Ban Chỉ huy phòng thủ khu vực xét duyệt.” (điểm c khoản 3 Điều 6)

Thông tin cần công khai tại địa phương bao gồm:

“Chỉ tiêu tuyển quân tỉnh giao cho xã; điều kiện, tiêu chuẩn tuyển quân; danh sách công dân thuộc diện gọi nhập ngũ, đủ điều kiện nhập ngũ, kết quả sơ tuyển sức khỏe; danh sách trúng tuyển nghĩa vụ quân sự sẵn sàng nhập ngũ.” (điểm đ khoản 3 Điều 6)

UBND cấp xã cũng được giao nhiệm vụ:

“Chỉ đạo Hội đồng nghĩa vụ quân sự đăng ký cỡ số quân trang cho từng công dân và thông báo cho đơn vị nhận quân để bảo đảm cấp phát đúng quy định.” (điểm h khoản 3 Điều 6)

Về quy định bù đổi, Thông tư nêu rõ:

“Thời gian bù đổi không quá 15 ngày tính từ ngày giao nhận quân; tỷ lệ bù đổi không vượt quá 2% so với chỉ tiêu giao quân của địa phương cho đơn vị.” (khoản 3 Điều 7)
Việc phúc tra và xử lý bù đổi được thực hiện trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận quân. Đồng thời, “phải có sự thống nhất với Ban Chỉ huy phòng thủ khu vực và UBND cấp xã, lập văn bản, thực hiện việc giao – nhận quân bù đổi (nếu có) tại đơn vị.” (khoản 4 Điều 7)

Về tổ chức lễ giao nhận quân, Thông tư quy định:

“UBND cấp tỉnh chủ trì, tổ chức Lễ giao nhận quân đảm bảo đúng quy định, trang trọng, nhanh gọn, an toàn, tiết kiệm và tạo không khí phấn khởi trong ngày hội giao quân.” (khoản 2 Điều 11)

Thông tư số 68/2025/TT-BQP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025. Các cơ quan, đơn vị và địa phương có liên quan có trách nhiệm triển khai, tổ chức thực hiện đầy đủ, nghiêm túc theo đúng quy định.

Bộ Quốc phòng khẳng định, việc sửa đổi lần này nhằm nâng cao chất lượng tuyển quân, tăng cường tính công khai, minh bạch và tạo sự đồng thuận trong nhân dân.


Xem thêm: Danh sách địa điểm đặt trụ sở chính của 34 Tòa án nhân dân cấp tỉnh và 355 Tòa án nhân dân khu vực