Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định về tiếp nhận nhiệm vụ, thực hiện thẩm quyền của các Tòa án nhân dân

Ngày 27/6/2025 Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chính thức thông qua Nghị quyết số 01/2025/NQ-HĐTP về hướng dẫn áp dụng một số quy định về tiếp nhận nhiệm vụ, thực hiện thẩm quyền của các Tòa án nhân dân (Nghị quyết số 01/2025); Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025.

Nghị quyết gồm 09 Điều, quy định hướng dẫn áp dụng một số quy định về tiếp nhận nhiệm vụ, thực hiện thẩm quyền của các Tòa án nhân dân kể từ ngày 01/7/2025 theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có liên quan.

Về tiếp nhận nhiệm vụ, thực hiện thẩm quyền của Tòa án nhân dân tối cao

Nghị quyết nêu rõ, kể từ ngày 01/7/2025, Tòa án nhân dân tối cao tiếp nhận nhiệm vụ, thực hiện thẩm quyền sau đây:

– Xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định của Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã có hiệu lực pháp luật;

– Xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã có hiệu lực pháp luật mà Tòa án nhân dân cấp cao đã thụ lý trước ngày 01/7/2025 nhưng chưa giải quyết xong;

– Giải quyết đơn đề nghị, văn bản yêu cầu, kiến nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân khu vực đã có hiệu lực pháp luật khi xét thấy cần thiết.

Trường hợp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân khu vực đã có hiệu lực pháp luật thì giao cho Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm;

– Giải quyết đề nghị xem xét lại, kiến nghị về phá sản, gồm:

  1. a) Đề nghị xem xét lại, kiến nghị quyết định giải quyết đơn đề nghị, kháng nghị quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản theo thủ tục đặc biệt;
  2. b) Đề nghị xem xét lại việc chuyển đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; giải quyết đề nghị xem xét lại, kiến nghị việc trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản mà Tòa án nhân dân cấp cao đã nhận đơn trước ngày 01/7/2025 nhưng chưa giải quyết xong;
  3. c) Đề nghị xem xét lại việc chuyển đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; giải quyết đề nghị xem xét lại, kiến nghị việc trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của Tòa án nhân dân cấp tỉnh;

– Giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi trong tố tụng của người tiến hành tố tụng là Chánh tòa Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh; giải quyết khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Chánh tòa Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh;

– Giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi trong tố tụng của người tiến hành tố tụng là Phó Chánh án, Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án của Tòa án nhân dân cấp cao trong giải quyết các vụ án, vụ việc theo thủ tục giám đốc thẩm;

– Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh; của người tiến hành tố tụng thuộc Tòa án nhân dân tối cao, Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao;

– Giải quyết bồi thường theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và quy định tại khoản 9 Điều 3 của Nghị quyết số 225/2025/QH15 ngày 27/6/2025 của Quốc hội về việc thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, các luật tố tụng và luật khác có liên quan (sau đây gọi là Nghị quyết số 225/2025/QH15);

– Tòa án nhân dân tối cao kế thừa quyền, trách nhiệm của các Tòa án nhân dân cấp cao theo quy định của pháp luật;

– Giải quyết các vụ việc, thực hiện nhiệm vụ khác thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại Điều 3 Nghị quyết này.

Về tiếp nhận nhiệm vụ, thực hiện thẩm quyền của Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao

Nghị quyết số 01/2025 nêu: Kể từ ngày 01/7/2025, Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao có thẩm quyền theo lãnh thổ tiếp nhận nhiệm vụ, thực hiện thẩm quyền sau đây:

– Phúc thẩm vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác mà Tòa án nhân dân cấp cao đã thụ lý trước ngày 01/7/2025 nhưng chưa giải quyết xong; vụ án, vụ việc mà bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao bị hủy để giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm;

– Phúc thẩm vụ án hình sự thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Vụ án đã được Tòa án nhân dân cấp tỉnh thụ lý theo thủ tục sơ thẩm trước ngày 01/7/2025 mà bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị;
b) Vụ án mà bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh bị hủy và giao cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm nhưng sau đó bản án, quyết định về vụ án này bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm;
c) Vụ án được Tòa án nhân dân cấp tỉnh thụ lý theo thủ tục sơ thẩm từ ngày 01/7/2025 theo quy định tại khoản 2 Điều 268 Bộ luật Tố tụng hình sự đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 99/2025/QH15 mà bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị;
– Phúc thẩm vụ án hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác đã được Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết theo thủ tục sơ thẩm mà bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị;

– Giải quyết đề nghị xem xét lại, kháng nghị quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản, quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản mà Tòa án nhân dân cấp cao đã nhận đơn trước ngày 01/7/2025 nhưng chưa giải quyết xong.

Giải quyết đề nghị xem xét lại, kháng nghị quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản, quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản của Tòa án nhân dân cấp tỉnh;

– Giải quyết đề nghị, kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án của Tòa án nhân dân cấp tỉnh theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án;

 Giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi trong tố tụng của người tiến hành tố tụng là Phó Chánh án, Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án của Tòa án nhân dân cấp cao trong giải quyết các vụ án, vụ việc theo thủ tục phúc thẩm;

– Giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi trong tố tụng của người tiến hành tố tụng là Phó Chánh tòa, Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án của Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao;

– Giải quyết các vụ việc, thực hiện nhiệm vụ khác đã được Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết mà có yêu cầu, đề nghị, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật.

Ví dụ: Giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị đối với Quyết định hoãn chấp hành án phạt tù, Quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, Quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện,…;

– Chánh tòa Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao kiến nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã có hiệu lực pháp luật theo quy định của luật;

– Giải quyết các vụ việc, thực hiện nhiệm vụ khác thuộc thẩm quyền của Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao theo quy định của pháp luật.

Về tiếp nhận nhiệm vụ, thực hiện thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh

Điều 4 Nghị quyết số 0/2025 quy định: Kể từ ngày 01/7/2025, Tòa án nhân dân cấp tỉnh tiếp nhận nhiệm vụ, thực hiện thẩm quyền sau đây:

– Sơ thẩm vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự, giải quyết phá sản và các vụ việc khác mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã thụ lý trước ngày 01/7/2025 nhưng chưa giải quyết xong;

– Sơ thẩm vụ án hình sự quy định tại khoản 2 Điều 268 của Bộ luật Tố tụng hình sự đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 99/2025/QH15;

– Sơ thẩm vụ án, vụ việc mà bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh bị hủy để giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm;

– Phúc thẩm vụ án, vụ việc mà bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân khu vực chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị;

– Phúc thẩm vụ án, vụ việc mà bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh bị hủy để giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm;

– Xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân khu vực đã có hiệu lực pháp luật;

– Xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện đã có hiệu lực pháp luật mà Tòa án nhân dân cấp cao đã thụ lý trước ngày 01/7/2025 nhưng chưa giải quyết xong;

– Giải quyết yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc theo quy định tại khoản 2 Điều 37 của Bộ luật Tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 85/2025/QH15, Điều 7 của Luật Trọng tài thương mại đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 81/2025/QH15 và Điều 2 của Nghị quyết số 81/2025/UBTVQH15 ngày 27/6/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân khu vực; quy định phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân khu vực (sau đây gọi là Nghị quyết số 81/2025/UBTVQH15);

– Giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân khu vực trong việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân, việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

– Giải quyết đề nghị xem xét lại, kháng nghị quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản, quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản của Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân khu vực.

Giải quyết vụ việc phá sản mà quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh bị hủy để giải quyết lại;

– Xem xét, ra quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án đối với trường hợp Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã tiến hành phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án và các bên có yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành.

Giải quyết đề nghị, kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân khu vực theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án;

– Thực hiện yêu cầu ủy thác tư pháp về dân sự của nước ngoài, giải quyết theo thủ tục sơ thẩm yêu cầu dẫn độ, yêu cầu chuyển giao hoặc tiếp nhận chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã thụ lý trước ngày 01/7/2025 nhưng chưa giải quyết xong;

– Giải quyết theo thủ tục phúc thẩm đối với quyết định dẫn độ, quyết định chuyển giao hoặc quyết định tiếp nhận chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù của Tòa án nhân dân khu vực chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị;

– Giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi trong tố tụng của người tiến hành tố tụng là Phó Chánh án, Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án, Hội thẩm nhân dân của Tòa án nhân dân cấp tỉnh; Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện, Chánh án Tòa án nhân dân khu vực; giải quyết khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện, Chánh án Tòa án nhân dân khu vực;

– Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của người tiến hành tố tụng thuộc Tòa án nhân dân cấp tỉnh, trừ Chánh án, Phó Chánh án; giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân khu vực;

– Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh kiến nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã có hiệu lực pháp luật theo quy định của luật;

– Tòa án nhân dân cấp tỉnh sau sắp xếp kế thừa quyền, trách nhiệm của các Tòa án nhân dân cấp tỉnh được sắp xếp theo quy định của pháp luật;

– Giải quyết các vụ việc, thực hiện nhiệm vụ khác thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh theo quy định của pháp luật.

Về tiếp nhận nhiệm vụ, thực hiện thẩm quyền của Tòa án nhân dân khu vực

Nghị quyết nêu rõ: Kể từ ngày 01/7/2025, Tòa án nhân dân khu vực có thẩm quyền theo lãnh thổ tiếp nhận nhiệm vụ, thực hiện thẩm quyền sau đây:

– Sơ thẩm vụ án, vụ việc; giải quyết vụ việc phá sản và các vụ việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân khu vực, gồm:

a) Sơ thẩm vụ án hình sự quy định tại khoản 1 Điều 268 của Bộ luật Tố tụng hình sự đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 99/2025/QH15;
b) Sơ thẩm vụ việc dân sự quy định tại Điều 35 của Bộ luật Tố tụng dân sự, vụ án hành chính quy định tại Điều 31 của Luật Tố tụng hành chính đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 85/2025/QH15 và các vụ việc khác theo quy định của pháp luật.
Phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án nhân dân khu vực đối với vụ việc dân sự, kinh doanh, thương mại, vụ án hành chính về sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ theo quy định tại khoản 3 Điều 4 của Nghị quyết số 81/2025/UBTVQH15;

c) Giải quyết vụ việc phá sản quy định tại Điều 8 của Luật Phá sản đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 85/2025/QH15.
Phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án nhân dân khu vực đối với vụ việc phá sản theo quy định tại khoản 2 Điều 4 của Nghị quyết số 81/2025/UBTVQH15;

d) Sơ thẩm vụ án hành chính, vụ việc dân sự; giải quyết vụ việc phá sản và các vụ việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân khu vực mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã nhận đơn khởi kiện, đơn yêu cầu trước ngày 01/7/2025 nhưng chưa thụ lý;
đ) Sơ thẩm vụ án, vụ việc; giải quyết vụ việc phá sản và các vụ việc khác mà Tòa án nhân dân cấp huyện đã thụ lý nhưng chưa giải quyết xong.

e) Sơ thẩm vụ án, vụ việc mà bản án, quyết định của Tòa án nhân dân khu vực, Tòa án nhân dân cấp huyện bị hủy để giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm. Giải quyết vụ việc phá sản mà quyết định của Tòa án nhân dân khu vực, Tòa án nhân dân cấp huyện bị hủy để giải quyết lại;
– Thực hiện nhiệm vụ trong hoạt động hoà giải, đối thoại tại Tòa án như sau:

a) Tổ chức thực hiện hoạt động hòa giải, đối thoại theo Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án;
b) Tổ chức thực hiện hoạt động hòa giải, đối thoại theo Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án mà Toà án nhân dân cấp tỉnh đã nhận đơn trước ngày 01/7/2025 nhưng chưa tiến hành phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án;
c) Tiếp nhận số lượng Hoà giải viên Toà án nhân dân cấptỉnh chuyển về Toà án nhân dân khu vực;
d) Hòa giải viên được bổ nhiệm để thực hiện nhiệm vụ tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh tiếp tục thực hiện nhiệm vụ hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhân dân khu vực trên cùng phạm vi địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh với Tòa án nhân dân cấp tỉnh đó cho đến khi hết nhiệm kỳ Hòa giải viên. Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh quyết định số lượng Hòa giải viên tại từng Tòa án nhân dân khu vực cho đến khi bổ nhiệm Hoà giải viên mới tại Toà án nhân dân khu vực;
– Xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân, việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

– Giải quyết vụ việc bắt giữ tàu bay, tàu biển thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân khu vực mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã nhận đơn yêu cầu trước ngày 01/7/2025 nhưng chưa thụ lý;

– Thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp sau đây:

a) Yêu cầu ủy thác tư pháp về dân sự của nước ngoài theo quy định của pháp luật; yêu cầu ủy thác tư pháp về dân sự của nước ngoài mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh ủy thác cho Tòa án nhân dân cấp huyện trước ngày 01/7/2025 nhưng chưa giải quyết xong;
b) Giải quyết theo thủ tục sơ thẩm yêu cầu dẫn độ, yêu cầu chuyển giao hoặc tiếp nhận chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù theo quy định của pháp luật;
c) Yêu cầu ủy thác tư pháp về dân sự của nước ngoài, giải quyết theo thủ tục sơ thẩm yêu cầu dẫn độ, yêu cầu chuyển giao hoặc yêu cầu tiếp nhận chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã nhận được yêu cầu trước ngày 01/7/2025 nhưng chưa thụ lý;
– Giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi trong tố tụng của người tiến hành tố tụng là Phó Chánh án, Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án, Hội thẩm nhân dân của Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân khu vực;

– Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của người tiến hành tố tụng thuộc Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân khu vực, trừ Chánh án, Phó Chánh án;

– Xem xét, quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù; quyết định trưng cầu giám định pháp y, pháp y tâm thần đối với phạm nhân, áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh đối với người đang chấp hành án phạt tù; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác trong công tác thi hành án theo quy định của pháp luật;

– Chánh án Tòa án nhân dân khu vực kiến nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh xem xét, kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân khu vực đã có hiệu lực pháp luật theo quy định của luật;

– Tòa án nhân dân khu vực kế thừa quyền, trách nhiệm của các Tòa án nhân dân cấp huyện theo quy định của pháp luật;

– Giải quyết các vụ việc, thực hiện nhiệm vụ khác thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân khu vực theo quy định của pháp luật.

Về kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng

Điều 8 Nghị quyết số 01/2025 quy định:

– Kể từ ngày 01/7/2025, đối với những vụ án, vụ việc mà Tòa án đang giải quyết thì việc kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng được xác định như sau:

a) Trường hợp đương sự là cơ quan, tổ chức bị hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, chuyển đổi, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hoặc kết thúc, chấm dứt hoạt động do sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước thì cơ quan, tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức đó.
Trường hợp đương sự là cơ quan, tổ chức đã giải thể hoặc kết thúc, chấm dứt hoạt động mà không có người kế thừa quyền, nghĩa vụ thì cơ quan, tổ chức cấp trên thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng.

Ví dụ: Ngày 15/5/2025, Tòa án nhân dân tỉnh Y thụ lý vụ án hành chính sơ thẩm giữa người khởi kiện là ông Nguyễn Văn Đ (cư trú tại xã H, huyện X, tỉnh Y; sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã có tên gọi là xã M, tỉnh T) với người bị kiện là Uỷ ban nhân dân huyện X, tỉnh Y về khiếu kiện yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Uỷ ban nhân dân huyện X, tỉnh Y cấp ngày 23/10/2024.

Theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 5 và khoản 1 Điều 23 của Nghị định số 151/2025/NĐ-CP ngày 12/6/2025 của Chính phủ quy định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương 02 cấp, phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực đất đai thì kể từ ngày 01/7/2025, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã M, tỉnh T kế thừa quyền, nghĩa vụ của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện X, tỉnh Y về thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trường hợp này, căn cứ khoản 3 Điều 59 của Luật Tố tụng hành chính, Toà án xác định tư cách tham gia tố tụng như sau:

Người bị kiện: Uỷ ban nhân dân huyện X, tỉnh Y (Người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng là Uỷ ban nhân dân xã M, tỉnh T);

b) Trường hợp đương sự là người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức mà cơ quan, tổ chức đó bị hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, chuyển đổi, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hoặc kết thúc, chấm dứt hoạt động do sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước thì người tiếp nhận quyền, nghĩa vụ của người đó tham gia tố tụng.
Trường hợp đương sự là người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức mà chức danh đó không còn do sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức đó hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức đó tham gia tố tụng.

– Kể từ ngày 01/7/2025, đối với vụ án, vụ việc mà Tòa án mới thụ lý thì Toà án xác định cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức bị hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, chuyển đổi, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hoặc kết thúc, chấm dứt hoạt động theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều này là đương sự trong vụ án, vụ việc.

Ví dụ: Ngày 03/7/2025, ông H có đơn khởi kiện ông K về vụ án dân sự tranh chấp quyền sử dụng đất thuộc thửa số 21 tại xã E, tỉnh C (trước sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã có tên gọi là xã A, huyện B, tỉnh C), thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của Toà án nhân dân khu vực P, tỉnh C và yêu cầu huỷ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Uỷ ban nhân dân huyện B cấp cho ông K ngày 29/12/2024. Toà án nhân dân khu vực P, tỉnh C thụ lý vụ án dân sự, trường hợp xem xét huỷ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì Toà án phải đưa Uỷ ban nhân dân xã E vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Ngoài ra, Nghị quyết số 01/2025 còn quy định về xác định Tòa án nhân dân khu vực có thẩm quyền theo lãnh thổ đối với vụ án, vụ việc đã được Toà án nhân dân cấp huyện thụ lý trước ngày 01/7/2025 (Điều 6); Về tiếp nhận thủ tục tố tụng, sử dụng văn bản do Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện ban hành; sử dụng biểu mẫu tố tụng (Điều 7).


Nguồn: Tạp chí Tòa án