Giải quyết như thế nào khi bị hàng xóm lấn chiếm đất?

1. Hành vi lấn chiếm đất được hiểu như thế nào?

Vấn đề lấn chiếm đất trong cuộc sống ngày nay là một vấn đề vô cùng nhạy cảm và thường gây ra nhiều tranh chấp.

Tại Khoản 9,31 Điều 3 Luật đất đai 2024 đã giải thích về hành vi lấn chiếm đất như sau:

“9. Chiếm đất là việc sử dụng đất do Nhà nước đã quản lý mà chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc sử dụng đất của người sử dụng đất hợp pháp khác mà chưa được người đó cho phép.

31. Lấn đất là việc người sử dụng đất chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất sử dụng mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc không được người sử dụng hợp pháp diện tích đất bị lấn đó cho phép

2. Đối mặt với tình trạng lấn chiếm đất, phải làm những gì để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của bản thân?

Việc hàng xóm lấn chiếm đất không chỉ là một vấn đề pháp lý mà còn là vấn đề xã hội, ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển của cộng đồng. Để giải quyết vấn đề này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và người dân, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, đồng thời hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý đất đai.

Căn cứ theo Điều 235, 236 Luật đất đai 2024, khi bị hàng xóm lấn chiếm đất, người bị lấn chiếm giải quyết như sau:

  • Thương lượng, hòa giải với người có hành vi lấn chiếm đề đòi lại phần diện tích bị lấn chiếm,
  • Theo Khoản 9 Điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, giải quyết tranh chấp đất đai, được quy định thủ tục đặc thù, bắt buộc phải gửi đơn lên Ủy ban nhân dân cấp xã để tiến hành hòa giải trước khi khởi kiện.
  • Trường hợp không thể thương lượng, hòa giải tại UBND cấp xã, người có đất bị lấn chiếm khởi kiện đến Tòa án theo đúng quy định của pháp luật.

Cụ thể:

Thương lượng, hòa giải đòi lại phần diện tích bị lấn chiếm:

Thứ nhất, hai bên tự thương lượng, hòa giải với nhau:

Căn cứ Khoản 1 Điều 235 Luật Đất đai 2024: “Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải, hòa giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở, hòa giải theo quy định của pháp luật về hòa giải thương mại hoặc cơ chế hòa giải khác theo quy định của pháp luật.”

Thứ hai, hòa giải tại UBND cấp xã trong trường hợp:

Trường hợp hai bên không thể tự thương lượng, thỏa thuận, có thể làm đơn yêu cầu hòa giải gửi đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để tiến hành hòa giải (theo Khoản 2 Điều 235 Luật Đất đai 2024). Nếu không gửi đơn đến UBND cấp xã mà khởi kiện luôn tại Tòa án hoặc đề nghị UBND cấp huyện, cấp tỉnh giải quyết thì sẽ bị trả lại đơn. Nói cách khác, hòa giải tại UBND cấp xã là thủ tục bắt buộc.

Nếu hòa giải thành: Trường hợp mà hòa giải thành và có thay đổi hiện trạng về ranh giới, diện tích, người sử dụng đất thì trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản công nhận kết quả hòa giải thành, các bên tham gia hòa giải phải gửi văn bản công nhận kết quả hòa giải thành đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện việc đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định. ( theo Khoản 4 Điều 235 Luật Đất đai 2024).

Nếu hòa giải không thành: Người bị lấn chiếm đất có quyền khởi kiện tại Tòa án để giải quyết (theo Khoản 1 Điều 236 Luật Đất đai 2024).

Khởi kiện tại tòa án nơi tranh chấp xảy ra:

Thứ nhất, trường hợp có các giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất

Các bên tranh chấp có quyền khởi kiện lên Tòa án nếu có một trong những giấy tờ sau đây theo khoản 1 Điều 236 Luật đất đai 2024:

+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,

+ Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở,

+ Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở,

+ Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng,

+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất,

+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất

+ Một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 137

Thứ hai, trường hợp không có các giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất

Trường hợp đất không có các giấy tờ liệt kê như trên hoặc một trong các loại giấy tờ về chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 137 Luật Đất đai 2024, thì có thể lựa chọn một trong hai cách giải quyết sau: (theo Khoản 2 Điều 236 Luật đất đai 2024)

+ Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền (quy định cụ thể tại khoản 3 của Điều 236 Luật đất đai 2014)

+ Khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.


Xem thêm: Sang tên Sổ đỏ khi không đủ điều kiện bị phạt thế nào?