Đất trồng lúa có thể được vay thế chấp ngân hàng

 

Câu hỏi: Tôi đang sử dụng đất trồng lúa, tôi có được thế chấp quyền sử dụng đất trồng lúa để vay ngân hàng không, nếu được thì thủ tục thực hiện thế chấp như nào?

Trả lời: 

Về vấn đề này, Công ty Luật 1-5 giải đáp như sau:

*Đất trồng lúa có được vay thế chấp ngân hàng không?

Tại điểm g khoản 1 Điều 37 Luật đất đai 2024 quy định về quyền của người sử dụng đất, trong đó có:

  1. g) Thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam, tại tổ chức kinh tế khác hoặc cá nhân theo quy định của pháp luật;

Như vậy, theo quy định trên thì người sử dụng đất nông nghiệp nói chung, đất trồng lúa nói riêng được phép thế chấp quyền sử dụng đất tại các tổ chức tín dụng, tổ chức kinh tế khác hoặc cá nhân.

Tuy nhiên, việc thế chấp quyền sử dụng đất phải đáp ứng các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 45 Luật Đất đai 2024:

  • Đất dùng để thế chấp có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 
  • Đất thế chấp không có tranh chấp hoặc có nhưng đã được giải quyết bằng bản án/quyết định… có hiệu lực pháp luật;
  • Quyền sử dụng đất không bị kê biên hoặc sử dụng các biện pháp khác để bảo đảm thi hành án;
  • Đất đang trong thời hạn sử dụng.
  • Đất không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Đối với người có nhu cầu thế chấp quyền sử dụng đất cần phải đáp ứng các điều kiện dưới đây theo Điều 7 Thông tư 39/2016/TT-NHNN:

  • Người vay là cá nhân có độ tuổi từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ hoặc từ 15 – đủ 18 tuổi và không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự; nếu là pháp nhân thì phải có năng lực pháp luật dân sự.
  • Vay vốn nhằm mục đích hợp pháp.
  • Phương án sử dụng vốn phải khả thi.
  • Có khả năng trả nợ…

*Thủ tục đăng ký thế chấp đất trồng lúa

Việc đăng ký thế chấp đất trồng lúa được thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ

– Đối với người yêu cầu đăng ký là pháp nhân: Nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh;

– Đối với người yêu cầu đăng ký là Hộ gia đình, cá nhân:

+ Nộp hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện;

– Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã nơi có đất trong trường hợp người yêu cầu đăng ký là hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu nộp hồ sơ trực tiếp Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã;

Bước 2: Kiểm tra hồ sơ

Người tiếp nhận kiểm tra hồ sơ đăng ký:

– Trường hợp hồ sơ không hợp: Người tiếp nhận từ chối đăng ký và hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ.

– Trường hợp hồ sơ hợp lệ: Văn phòng đăng ký đất đai ghi nội dung đăng ký vào Sổ địa chính; Giấy chứng nhận; chứng nhận nội dung đăng ký vào phiếu yêu cầu đăng ký.

Bước 3: Trả kết quả

Kết quả đăng ký được trả tại Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện hoặc Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã.

Theo đó, hồ sơ được nộp theo một trong các phương thức sau đây:

– Qua hệ thống đăng ký trực tuyến;

– Nộp trực tiếp;

– Qua đường bưu điện.

* Thời hạn giải quyết:

Trong ngày nhận hồ sơ hợp lệ. Nếu nhận hồ sơ sau 15 giờ, thì hoàn thành việc đăng ký và trả kết quả ngay trong ngày làm việc tiếp theo.

Trường hợp phải kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ thì cũng không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ đăng ký hợp lệ.

(Theo hướng dẫn của Cổng dịch vụ công quốc gia).


Xem thêm: Hành vi lấn đất hoặc chiếm đất mức phạt cao nhất đến 1 tỷ đồng