Kế hoạch triển khai chuẩn hóa thông tin thuê bao di động nhằm thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030 của Thủ tướng Chính phủ.

Tại buổi trao đổi thông tin về kế hoạch triển khai chuẩn hóa thông tin thuê bao di động do Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) tổ chức ngày 12/3, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, đến nay, các doanh nghiệp viễn thông di động đã kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó có 3 doanh nghiệp lớn là Viettel, Vinaphone, Mobifone đã đối soát xong 100% dữ liệu thông tin thuê bao với thông tin của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Sẽ chuẩn hóa các thông tin thuê bao di động trước ngày 31/3 - Ảnh 1.
Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông trao đổi với báo chí về kế hoạch triển khai chuẩn hóa thông tin thuê bao di động – Ảnh: VGP/MS
Kết quả sau khi đối soát, vẫn còn phát sinh nhiều trường hợp thuê bao chưa trùng khớp thông tin của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc thông tin chưa đúng quy định.
Theo đó, Bộ TT&TT yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông di động đảm bảo đến ngày 31/3/2023, tất cả thuê bao đang hoạt động có thông tin đúng quy định và có thông tin trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tại buổi trao đổi, đại diện các doanh nghiệp viễn thông di động đều cho biết, họ đã và sẽ tiếp tục nỗ lực triển khai và hướng dẫn, hỗ trợ khách khách có thông tin chưa chính xác để chuẩn hóa thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đến ngày 31/3 tới.
Riêng Tổng công ty Viễn thông Viettel cam kết đến ngày 25/3 sẽ hoàn thành chuẩn hóa các thông tin của các thuê bao còn chưa đúng quy định và trùng khớp với thông tin của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Cũng tại buổi trao đổi, các doanh nghiệp đã đưa ra một số khó khăn khi triển khai chuẩn hóa thông tin thuê bao di động, như có khách chưa có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vì nhiều lý do; tập khách không lớn, nhưng trải dài ở tất cả tỉnh, thành phố trên cả nước, nên việc tiếp cận khó, số lượng khách hàng phản hồi tin nhắn của nhà mạng về chuẩn hóa thông tin rất ít, nhiều khách hàng hiểu nhầm là thư rác nên không phản hồi…
Để đảm bảo mục tiêu đến ngày 31/3 tới, thông tin của tất cả các thuê bao đang hoạt động đều đúng quy định và trùng khớp với thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Viễn thông đề nghị các doanh nghiệp viễn thông di động, đối với các thuê bao có thông tin chưa trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì rà soát, đối chiếu, triển khai các giải pháp xác thực thông tin của các thuê bao đã có đầy đủ giấy tờ và đăng ký thông tin đúng quy định để đảm bảo thông tin thuê bao chính xác, trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đối với các thông tin thuê bao nghi ngờ không đúng quy định, doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành tại Nghị định 49/2027/NĐ-CP để bảo đảm đến ngày 31/3 tới, tất cả các thuê bao đang hoạt động có thông tin đúng quy định.
Cụ thể, theo Nghị định 49/2017/NĐ-CP, đối với thuê bao di động có thông tin thuê bao không đúng quy định, doanh nghiệp viễn thông phải thông báo liên tục trong ít nhất 5 ngày, mỗi ngày ít nhất một lần, yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo quy định.
Trường hợp cá nhân, tổ chức không thực hiện theo yêu cầu, tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều sau 15 ngày kể từ ngày đầu tiên gửi thông báo, đồng thời thông báo thuê bao sẽ bị tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều sau 15 ngày tiếp theo nếu không thực hiện.
Doanh nghiệp viễn thông tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông 2 chiều sau 15 ngày kể từ ngày tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều, đồng thời thông báo thuê bao sẽ được thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông sau 30 ngày tiếp theo nếu không thực hiện; thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông sau 30 ngày kể từ ngày tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông 2 chiều nếu cá nhân, tổ chức không thực hiện.
Theo đại diện Vinaphone, các doanh nghiệp viễn thông cần có sự thống nhất để cùng thực hiện cùng nhắn tin tới khách hàng về quy định này, nhằm đảm bảo tính đồng bộ khi thực hiện giữa các nhà mạng, vì khi đã khóa thuê bao thì ảnh hưởng rất lớn đến cả doanh nghiệp và người sử dụng dịch vụ.
Theo: Thông tin Chính phủ